mardi 24 août 2010

ĐÀN ÁP DÂN CHỦ LÀ ĐI NGƯỢC LẠI NGUYỆN VỌNG CỦA NHÂN DÂN



ĐÀN ÁP DÂN CHỦ LÀ ĐI NGƯỢC LẠI NGUYỆN VỌNG CỦA NHÂN DÂN.
Thái San (viết ngày 23/8/2010)

Xin chào các bạn,
Giam giữ những người bất đồng chính kiến với chính phủ là sai với Luật Quốc Tế Nhân Quyền do chính Việt Nam cam kết khi tham gia Liên Hiệp Quốc ngày 20/9/1977. Đấu tranh dân chủ để xây dựng đất nuớc dân chủ văn minh và để nhân dân hạnh phúc là lý tưởng cao đẹp nhất hiện nay, chẳng có gì phải sợ tù tội. Nhà tù chỉ có thể giam giữ thể xác chứ không thể giam giữ tinh thần.
Những sinh viên Việt Nam may mắn đi du học thành tài ở các nước dân chủ tân tiến trên thế giới có trách nhiệm góp sức mình vào công cuộc đấu tranh để đất nước và dân tộc Việt Nam sớm có được một nền dân chủ rạng rỡ.
Thái San tin rằng sẽ có ngày Việt Nam có được dân chủ. Dân chủ phải do chính dân tộc Việt Nam tự giành lấy. Để có được dân chủ, phải xuất hiện một "Gobachop Việt Nam" từ chính những người lãnh đạo Việt Nam. Trong Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn có những người tốt mong muốn dân chủ hóa đất nước để đất nước văn minh, để nhân dân hạnh phúc.
Bên Trung Quốc, hiện nay phong trào dân chủ cũng đang phát triển mạnh. Trung tướng Lưu Á Châu cho rằng một cuộc cách mạng dân chủ sẽ xảy ra ở Trung Quốc trong vòng mười năm tới đây. Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng đang lên tiếng kêu gọi quyền dân chủ của nhân dân phải được đảm bảo. Vì dân tộc Việt Nam thông minh, biết đâu dân chủ sẽ đến với Việt Nam trước cả Trung Quốc?

Tiến tới dân chủ là tất yếu của xã hội và dân trí phát triển. Thái San tin tưởng và hy vọng Việt Nam sẽ sớm có dân chủ, chứ không phải đợi lâu nữa đâu. Để sớm có dân chủ, phải có sức mạnh của toàn dân, 90 triệu người Việt Nam cùng hưởng ứng, mong muốn xây dựng đất nước văn minh rạng rỡ.
Để có được dân chủ, bước đầu tiên tự nhân dân Việt Nam phải đưa sáng kiến giành quyền trưng cầu dân ý, yêu cầu Quốc hội Việt Nam xóa bỏ Điều 4 Hiến Pháp 1992 vì đi trái Luật Quốc Tế Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc, phản hiến pháp và đi trái lòng dân. Điều này hoàn toàn phù hợp với quyền phúc quyết của nhân dân, thông qua việc "Trưng cầu dân ý", đã được chính Hiến Pháp 1992, do Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam ban hành, nhấn mạnh ba lần.